Cách nhận biết, phòng và điều trị bệnh Thủy Đậu
Bệnh Thủy đậu là một bệnh nhiễm vi rút Varicella – Zoster gây ra có thể lây truyền từ người sang ngừơi chủ yếu qua dịch tiết đường hô hấp khi người bệnh nói, hắt hơi (nhảy mũi) hoặc ho…
Bệnh Thủy đậu là một bệnh nhiễm vi rút Varicella – Zoster gây ra. Bệnh có thể lây truyền từ người sang ngừơi chủ yếu qua dịch tiết đường hô hấp khi người bệnh nói, hắt hơi (nhảy mũi) hoặc ho… thì các vi rút theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài hoặc dịch các nốt phỏng nước trên da vỡ ra. Bệnh có thể gây thành dịch, thường xảy ra vào mùa đông xuân và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, ở những nơi đông đúc như nhà trẻ, trường học….
1. Biểu hiện lâm sàng của bệnh Thủy đậu
Thời gian ủ bệnh
Là khoảng 2 -3 tuần, thường không có triệu chứng.
Khởi phát
Có thể gặp các triệu chứng: mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và ngứa.
Thời kỳ toàn phát
Trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Sau đó, các nốt ban phát triển thành các nốt phỏng có dịch trong và nhanh chóng lan ra toàn thân.
Bệnh kéo dài từ 7 – 10 ngày. Nếu không có biến chứng, các mụn nước sẽ vỡ, khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo.
Nhưng nếu bị nhiễm trùng thì có thể có dịch mủ đục sau đó để lại sẹo.
2. Biến chứng của bệnh Thủy Đậu
Nhiễm trùng da: mụn mủ đục; nặng có thể gây nhiễm trùng huyết.
Viêm não: trẻ đau đầu, buồn nôn, rối loạn ý thức…
Viêm phổi: ho, khò khè, khó thở, có ran ở phổi…
Phụ nữ mang thai mắc bệnh thì có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho như đầu nhỏ, chân tay khoèo, bại não, …
3. Yếu tố tiên lượng nặng
Trẻ đang có mắc bệnh khác.
Suy giảm miễn dịch.
Dùng Corticoid kéo dài, hoặc các thuốc ức chế miễn dịch.
Trẻ nhỏ dưới 6 tháng, đặc biệt là sơ sinh.
4. Điều trị
Chủ yếu là điều trị triệu chứng và chăm sóc tại chỗ.
– Sử dụng các thiết bị cho trẻ lúc trẻ phải ra ngoài đường
– Nghỉ ngơi, uống nhiều nước và vitamin nhóm B, C.
– Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tắm nước sạch, không dùng xà phòng, tránh chà sát da làm vỡ mụn nước.
– Bôi các vùng da tổn thương bằng dung dịch sát khuẩn nhẹ (như Betadin, xanh methylene…) hoặc mỡ Acyclovir.
– Hạ sốt: Dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao (Paracetamon, Acetaminophen), không dùng aspirin.
– Acyclovir tiêm tĩnh mạch hoặc IVIG chỉ dung khi có biến chứng nặng hoặc bệnh nhi có nguy cơ nặng.
– Chăm sóc trẻ với chế độ dinh dưỡng tốt: thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.
5. Phòng bệnh Thủy đậu
Tiêm vắc xin. Đây là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất. Vắc xin đã được chứng minh là có hiệu quả bảo vệ cao (trên 95 – 97%) và kéo dài suốt đời.
– Tiêm mũi 1 cho mọi đối tượng từ 12 tháng tuổi trở lên.
– Tiêm mũi 2 nhắc lại cách mũi 1 sau 6 tuần trở đi.Khi đã mắc bệnh thì cần phải:
– Cách ly tương đối là khoảng 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh.
– Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: khăn mặt, bát, cốc….
– Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 9 0/00
– Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.
– Vệ sinh nơi ở của người bệnh: Lau sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi của trẻ hàng ngày bằng nước Javel, hoặc dung dịch Cloramin B, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Đối với những đồ vật nhỏ có thể đem phơi nắng. lớp học có trẻ mắc bệnh cần lau rửa đồ chơi, cửa, sàn nhà hang ngày bằng các dung dịch sát trùng nhẹ.
Nếu có các triệu chứng: sốt cao liên tục không hạ được nhiệt độ, lơ mơ, mệt mỏi, co giật, hôn mê … cần đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.
Thạc sĩ Đỗ Thiện Hải
Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm