“Bác sĩ gia đình – kênh giảm tải ít người biết đến”: Cơ hội phát triển bác sĩ gia đình
Mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) đã phát triển và nhân rộng ở nhiều nước trên thế giới.
Mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) đã phát triển và nhân rộng ở nhiều nước trên thế giới.
Ở ta, hoạt động bác sĩ gia đình đã bước đầu được tổ chức tại 8 thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, Cần Thơ với gần 100 đơn vị theo các mô hình khác nhau: Trung tâm BSGĐ, phòng khám BSGĐ là cơ sở thực hành của các trường đại học chuyên ngành y, phòng khám BSGĐ tư nhân, trạm y tế có hoạt động BSGĐ…
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Trần Quý Tường kiểm tra Trung tâm BSGĐ Hà Nội
Xuất phát từ thực tiễn bước đầu tiếp cận mô hình BSGĐ ở nước ta và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới, Bộ Y tế xây dựng Đề án: “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2013-2020”. Theo đó, mô hình tổ chức phòng khám BSGĐ gồm có: Phòng khám BSGĐ tư nhân, phòng khám BSGĐ phối hợp, lồng ghép chức năng trạm y tế xã, phòng khám BSGĐ tại khoa khám bệnh của các bệnh viện, thuộc sự quản lý của bệnh viện. Người đứng đầu phòng khám BSGĐ phải có chứng chỉ hành nghề y học gia đình. Mới đây, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 16/2014/TT-BYT, ngày 22-5-2014 về hướng dẫn thí điểm về BSGĐ và phòng khám BSGĐ, có hiệu lực từ ngày 17-7-2014.
Theo TS Trần Qúy Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế, phòng khám BSGĐ có thể giúp sàng lọc giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện.
Hoạt động BSGĐ sẽ giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được chi phí nằm viện cho bệnh nhân, chi phí bảo hiểm y tế, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội; tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm đi những vấn đề bức xúc của xã hội.
Hoạt động BSGĐ ở nước ta hiện nay là mô hình mới, chưa được quan tâm, đầu tư tương xứng, chưa có chức danh BSGĐ ở các cơ sở y tế, hoạt động còn tản mạn, nhiều hạn chế, bất cập, chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý và hiệu quả chưa cao.
Hy vọng từ những động thái nêu trên của Bộ Y tế, “kênh” y tế BSGĐ có cơ hội tốt để phát triển.
Theo nguồn http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1425&chitiet=86086&Style=1
Trần Ngọc Kha