NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM
Ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính xảy ra đột ngột do ăn phải thức ăn có chất độc.
Ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính xảy ra đột ngột do ăn phải thức ăn có chất độc. Biểu hiện bằng các triệu chứng dạ dày, ruột (đau bụng, nôn, tiêu chảy…) hoặc những triệu chứng khác tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc.
I. Một số nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
- Xử lý thực phẩm hoặc nấu nướng món ăn không đúng cách.
- Thức ăn để ngoài không khí nóng quá lâu.
- Ăn uống ngoài đường, vỉa hè, nhất là ở những hàng quán mất vệ sinh.
- Thường xuyên ôm ấp, âu yếm các con vật nuôi khiến trẻ em dễ bị dính lông của những con vật này và lại dính vào thức ăn và đưa vào miệng.
- Thức ăn không được nấu chín kĩ để “tiêu diệt” các vi khuẩn, thay vào đó, vi khuẩn có cơ hội nhân lên và phá hủy thức ăn.
- Hoa quả và rau xanh chưa được rửa sạch đúng cách.
- Nấu đồ ăn với nước bị ô nhiễm.
II. Triệu chứng
Sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc, người bệnh thấy đột ngột có những triệu chứng (sau vài phút, vài giờ, có thể sau 1 ngày).
- Buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu.
- Đau bụng, tiêu chảy nhiều lần (phân, nước tiểu có thể có máu).
- Có thể không sốt hay sốt cao trên 38°C.
Ở người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, các triệu chứng thường nặng.
- Nếu nôn và đi ngoài nhiều lần sẽ bị mất nước, mất điện giải, trụy tim mạch rất dễ dẫn đến sốc nhiễm khuẩn nếu nguyên nhân do vi khuẩn gây nên. Vì thế phải rất lưu ý đến những dấu hiệu mất nước mà biểu hiện rõ nhất là nôn nhiều trên 5 lần, đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, khô miệng, khô môi, mắt trũng, khát nước (cần lưu ý ở người già hay bị mất nước nặng lại không kêu khát nước do tuổi cao làm mất cảm giác khát); mạch nhanh, thở nhanh, mệt lả, có thể co giật, nước tiểu ít, sẫm màu.
III. Cách xử trí
- Trước một người bị ngộ độc hoặc nghi bị ngộ độc còn tỉnh táo, cần làm cho chất độc lẫn trong thức ăn bị đào thải ra ngoài càng nhanh càng tốt bằng cách gây nôn.
- Trong trường hợp nếu biết chất độc là dầu hỏa, xăng, hóa chất trừ sâu thì không gây nôn vì gây nôn có thể sẽ làm bệnh nhân hít chất độc vào phổi hoặc lên cơn co giật khi đang gây nôn.
- Tại y tế cơ sở, nếu có điều kiện thì tiến hành rửa dạ dày càng sớm càng tốt, chậm nhất là 4 – 6 giờ sau khi ăn phải thức ăn có chất độc (không rửa dạ dày nếu bệnh nhân co giật, lơ mơ). Sau đó nhanh chóng cho bệnh nhân uống than hoạt (1g/kg cân nặng) đối với người lớn và 0,5g/kg cân nặng đối với trẻ em (than hoạt tính có thể uống nhắc lại với liều như vậy sau 3 – 4 giờ). Tiếp đó cho uống thuốc tẩy sunfat magnesium hoặc sorbitol để tống chất độc còn lại trong ruột và than hoạt qua đường phân.
Sau khi cấp cứu tại chỗ, nên chuyển bệnh nhân đến y tế tuyến trên để được theo dõi và điều trị chuyên khoa. Trường hợp đến muộn, cần gửi bệnh nhân đến khoa hồi sức cấp cứu để xử trí.
IV. Cách phòng chống
- Lựa chọn và mua thực phẩm tươi sống.
- Chế biến sạch sẽ và đung nấu an toàn.
- Luôn luôn rửa sạch tay thật kĩ trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi vuốt ve, chạm vào thú vật.
- Nấu chín kĩ thức ăn trước khi ăn.
- Các thực phẩm để dành, không để quá 4 giờ và phải hâm kỹ trước khi ăn.
- Cất giữ thịt và cá chưa chế biến trong bao kín và giữ trong đáy tủ lạnh, giữ các loại thực phẩm dễ ôi thiu dưới 5°C.
- Rửa rau quả dưới vòi nước chảy trước khi ăn.
- Không nên dùng lại đồ ăn thừa, nhất là khi chúng không được bảo quản vệ sinh. Để tránh lãng phí, hãy mua và nấu vừa đủ.
- Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm quá hạn (date), có mùi vị lạ bất thường, hoặc bị ôi thiu, nổi nấm mốc….
Thông tin liên hệ:
TRUNG TÂM BÁC SĨ GIA ĐÌNH HÀ NỘI
Địa chỉ: 75 Hồ Mễ Trì, Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội
Email: trungtambacsigiadinhhanoi@gmail.com
Điện thoại: 04 35 430 430 Holine: 1900 61 61