Những điều cần lưu ý và cách điều trị bệnh lao phổi ở người cao tuổi
Những điều cần lưu ý và cách điều trị bệnh lao phổi ở người cao tuổi
Lao phổi là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với cộng đồng nhưng lại hay bị nhầm lẫn với các bệnh ho thông thường khác nên người bệnh thường chủ quan không thăm khám kịp thời.
Trong phạm vi bài viết này, Bác sĩ gia đình Hà Nội Bài sẽ đưa ra những thông tin chính xác về bệnh lao phổi ở người cao tuổi.
1. Đặc điểm lâm sàng của bệnh lao phổi
Khi được phát hiện, bệnh thường đã nặng, tỉ lệ tổn thương đã loét thành hang lao khoảng 70%. Diện tích tổn thương rộng cũng nhiều (trên 65%) so với lớp bệnh nhân trẻ.
Nguyên nhân phát hiện ra bệnh trong đại đa số trường hợp là do tình cờ, khi bệnh nhân đi khám vì một bệnh khác và nếu là do dấu hiệu ở cơ quan hô hấp thì triệu chứng chủ yếu trong số lớn trường hợp (hơn 75%) là vì ho ra máu, cũng khác với tình hình thường gặp ở những người ít tuổi hơn.
Trên cơ thể người có tuổi hầu như rất hiếm gặp bệnh lao đơn thuần. Đa số bệnh nhân đều có những bệnh phụ kèm theo, dù chỉ nói riêng về bộ máy hô hấp. Rối loạn chức năng thông khí có thể gặp trong khoảng 2/3 trường hợp (đa số thuộc loại tắc nghẽn). Dấu hiệu không bình thường trên điện tim, gặp trong 52 % trường hợp.
Các rối loạn về chức năng hô hấp của máu như bão hòa oxy, áp suất oxy và CO2 gặp trong 65%. Trên hình ảnh X quang các dấu hiệu của giãn phế nang có thể gặp ở trên 50% trường hợp. Hội chứng viêm phế quản mạn, chuẩn đoán bằng lâm sàng gặp trên 40% bệnh nhân có tuổi.
Với hình ảnh như trên, việc điều trị bệnh nhân lao có tuổi cũng bị ảnh hưởng, tỉ lệ các kết quả tốt thường thấp hơn so với những người ít tuổi, mặc dù ngày nay với những thuốc kháng sinh đặc hiệu, việc chữa lao đã có nhiều tiến bộ. Tỉ lệ khỏi bệnh ở tuổi dưới 15 là 100%. Ỏ tuổi 30-45 là 92%, còn ở tuổi 60 trở lên là 87%.
2. Tư vấn hướng điều trị bệnh lao phổi
Hiện nay có 6 loại thuốc chữa lao, phân loại theo khả năng diệt khuẩn từ mạnh đến yếu như sau: Rifampixin, Pyrazinamit, Isoniazit, Strepto-myxin, Ethambutol, Thioaxetazon.
Một nguyên tắc hết sức quan trọng trong chữa lao là phải phối hợp các loại thuốc ít nhất hai loại, thông thường ba loại, có khi 4,5 loại, căn cứ vào tình trạng chịu thuốc của vi khuẩn.
Với những vi khuẩn sinh sản nhanh (trong hang lao và các tổ chức bã đậu nhuyễn hóa) thì Streptomyxin có tác dụng mạnh nhất, sau đó đến Rifampixin và Isoniazit rồi Ethambutol.
Với những vi khuẩn sinh sản chậm trong môi trường axit (vi khuẩn nằm trong các đại thực bào) thì Pyrazynamit có tác động mạnh hơn cả, sau đó là Rifampixin và Isoniazit rồi Ethambutol.
Với những vi khuẩn sinh sản chậm trong môi trường trung bình (trong tổ chức bã đậu cứng) thì chỉ Rifampixin mới có thể tác động.
Với những loại vi khuẩn hoàn toàn không sinh sản thì hiện nay chưa có loại kháng sinh nào có thể tiêu diệt được.
Ở Việt Nam hiện nay đang áp dụng ba loại công thức chữa lao để sử dụng rộng rãi.
Với những trường hợp vi khuẩn âm tính Isoniazit – Streptomixin. Dùng hai loại thuốc hằng ngày trong ba tháng đầu, dùng Isoniazit một mình trong 9 tháng sau.
Với những trường hợp có vi khuẩn mới được phát hiện: Pyrazinamit, Isoniazit, Streptomyxin. Dùng ba loại hằng ngày trong ba tháng đầu, dùng hai loại Isoniazit, Streptomixin, 2 lần mỗi tuần trong sáu tháng sau.
Với những trường hợp có vi khuẩn điều trị không kết quả bằng công thức trên thì cho Isoniazit, Rifampixin, Ethambutol. Dùng hằng ngày trong ba tháng, sau đó 2 lần một tuần trong 6 tháng sau.
Việc chữa lao ngày nay hầu như có thể hoàn toàn chỉ bằng ngoại trú.
Việc điều trị trong bệnh viện chỉ áp dụng với một số trường hợp đang tiến triển cấp cứu, một số thể lao phổi và ngoài phổi cần can thiệt bằng ngoại khoa.
Điều quan trọng cơ bản chữa lao là chữa đúng, chữa đủ thời gian, do đó việc theo dõi quản lý bệnh nhân, đặc biệt là ở cơ sở là hết sức quyết định đối với kết quả điều trị.
Các thuốc hóa học chữa lao bao giờ cũng có thể gây một số tác dụng phụ và tai biến.
Trong khi sử dụng cần chú ý theo dõi chu đáo bệnh nhân không nên dùng thuốc khi chưa có chuẩn đoán chính xác và chỉ định rõ ràng.
Hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc rất dễ xảy ra trong điều trị lao và ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả chữa bệnh.
Cần đề phòng hiện tượng này bằng cách tránh dùng một loại đơn thuốc đơn độc.
Khi có điều kiện, nên tìm mức độ kháng thuốc của vi khuẩn để định được chính xác loại thuốc thích hợp.
Đối với người có tuổi hay có một số tác dụng phụ như sau:
– Với Isoniazit: buồn nôn, chán ăn đau dây thần kinh ngoại biên.
– Với Streptomyxin: tổn thương dây thần kinh VIII, chóng mặt, mất thăng bằng, điếc.
– Với Rifampixin, viêm gan hủy tế bào (khi dùng kèm INH) giảm bạch cầu.
– Với Pyraziamit: đau các khớp, hội chứng gút, buồn nôn kém ăn.
– Với Ethambutol: rối loạn thị giác, viêm thị thần kinh, ám điểm loạn sắc, rối loạn tiêu hóa, giảm bạch cầu.
– Với Thioaxetazon: viêm tróc da, rối loạn tiêu hóa, mất bạch cầu hạt.
Có thể thấy, lao phổi là căn bệnh nguy hiểm không chỉ xảy ra với những người có sức khỏe kém hay bị suy giảm miễn dịch. Người khỏe mạnh vẫn có nguy cơ mắc bệnh lý và có khả năng cao dễ lây nhiễm cho cộng đồng.
Do đó, khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng của bệnh lao phổi, cần nhanh chóng tiến hành thăm khám và điều trị kịp thời.